Rào Cản Tâm Lý Trong Giao Tiếp

Qua nhiềm năm nghiên cứu Julian Treasure đã khám phá ra một số rào cản tâm lý sau khiến cho khả năng giao tiếp của chúng ta kém hiệu quả đi. Cùng tìm hiểu qua những rào cản tâm lý này và tìm cách khắc phục nó.

Julian Treasure, chuyên gia vế Giao Tiếp

1. Mong muốn xây dựng hình tượng đẹp 

Ai cũng muốn mình tốt đẹp trong mắt người khác.

Song, khao khát cơ bản này lại cản trở cách ta lắng nghe và nói chuyện. Xu hướng này thường thể hiện qua câu nói đơn giản: “Tôi biết rồi.” Nhưng nếu đã biết hết mọi thứ thì tôi còn có thể học được gì? Không gì cả. Một câu trong đạo Phật đúc kết quan điểm này rất hay: “Tri thức là học thêm điều gì đó mỗi ngày. Khôn ngoan là bỏ đi điều gì đó mỗi ngày.”

Thật dễ nản khi ở cạnh một người không bao giờ cảm thấy bị ấn tượng.

Chuyên gia về giao tiếp Trisha Bauman kể cho tôi nghe một câu chuyện minh họa rõ vấn đề này. Cô chuyển tới Paris và cảm thấy lạc lõng khi thể hiện sự hào hứng trước cảnh đẹp của những nơi cô tới. Mỗi khi cô mở lời khen ngợi vẻ đẹp của một nơi nào đó, những người bạn mới chỉ đáp cô bằng một cái nhún vai.

Phải mất một thời gian cô mới nhận ra vấn đề không phải ở cô; trong nhóm người đó, nếu không phải ở Paris, việc thể hiện sự ấn tượng trước một điều gì đó bị coi là mất mặt. Dù có vẻ nhỏ nhặt, nhưng hành vi này lại phá hỏng cuộc vui. Niềm vui là thứ hiếm hoi trong thế giới này, vậy nên thật đáng buồn khi ta tìm cách giết chết niềm vui của mình.

“Soạn diễn văn” là một cách khó nhận biết hơn để tạo hình tượng đẹp nhưng lại làm cuộc nói chuyện nhạt dần.

Khi giọng nói của bạn vang lên trước mặt tôi, tôi đang tập trung suy nghĩ bài độc thoại tuyệt vời tiếp theo của mình. Hành động này thường đưa đến cụm từ “dù sao đi nữa thì…” vốn gạt bỏ mọi điều đối phương vừa nói và chuyển sang một chủ đề hoàn toàn mới. Đây là tính cách ảnh hưởng xấu đến người quyền lực, dù đó không phải là phong cách lãnh đạo tốt.

Mức độ cao hơn của soạn diễn văn là “thi nhau nói”.

Người ta dùng cách phá hỏng niềm vui này cũng vì muốn tạo hình tượng tốt cho bản thân. Giả sử tôi hào hứng chia sẻ, “Chúng tôi đang rất phấn khởi về kỳ nghỉ sắp tới ở Hy Lạp.” Người thích nói thi sẽ xen vào, “Ồ vâng, tôi đã đến Hy Lạp 6 lần và tôi thích nơi đó lắm!” Cảm giác của tôi là mất tự tin. Câu nói đó làm niềm vui của tôi trở nên tầm thường.

22 Nguyên tắc Giao Tiếp Cơ Bản mà Người Chuyên Nghiệp Cần Biết

2.  Mong muốn thể hiện rằng mình đúng

Nếu có một điều mà ta thích hơn việc tạo hình tượng đẹp thì đó chính là mong muốn thể hiện rằng mình đúng. Khi tôi đúng và bạn sai, điều đó cho tôi cảm giác rằng mình giỏi hơn bạn.

Mong muốn đó có thể phá hủy các mối quan hệ. Như nhà giáo kiêm chuyên gia tư vấn tâm lý Harville Hendrix từng nói, “Bạn muốn chứng tỏ mình đúng hay muốn giữ gìn mối quan hệ? Vì không phải lúc nào bạn cũng có được cả hai. Bạn không thể vừa có một mối quan hệ tốt đẹp vừa tận hưởng cảm giác “mình đúng” được.

Nhu cầu thể hiện mình đúng có thể xuất phát từ nỗi sợ bị coi thường.

Nó cũng có thể bắt nguồn từ nỗi sợ bị người khác nhìn thấy bản chất của mình, một con người đầy khuyết điểm, mâu thuẫn và rối loạn. Chúng ta khao khát được cảm thấy hợp lý, được tôn trọng và chứng tỏ mình đúng – hoặc người khác sai – là con đường ta chọn để đạt được khát khao này vì nó khiến ta vượt trội hơn người khác.

Hành động ngắt lời người khác bắt nguồn từ khát khao thể hiện rằng mình đúng.

Đây có thể là kết quả của việc chuẩn bị trước điều sẽ nói, nhưng thường thì nó xuất hiện bất ngờ - đơn thuần là từ mong muốn phản đối, đòi hỏi một câu trả lời, hay lập tức nêu quan điểm mà không đợi người khác nói xong.

Hành động ngắt lời người khác đang ngày càng trở nên phổ biến trong thế giới thiếu kiên nhẫn của chúng ta, ngay cả trong hoàn cảnh liên quan đến mạng sống. Một cuộc khảo sát trên các bác sĩ ở Mỹ và Canada cho thấy bệnh nhân bị bác sĩ ngắt lời sau khi họ vừa mở lời được trung bình 18 giây; chưa tới 25% bệnh nhân có thể nói hết câu mà không bị ngắt lời.

Ngắt lời gây ra 2 hậu quả xấu.

Ta không nghe được điều đối phương nói, và đó có thể là điều có ích, khai sáng cho ta hoặc làm ta bất ngờ. Ngoài ra, hành động ngắt lời rất có nguy cơ phá hỏng phần còn lại của cuộc nói chuyện vì nó thay đổi sự cân bằng giữa hai bên – người ngắt lời thể hiện sự áp đảo của họ – cũng như cảm xúc chung của cuộc đối thoại. Người bị ngắt lời có thể cảm thấy bị coi thường và xúc phạm, từ đó họ giận dữ, buồn bực và khó mở lòng. Dù không phải lúc nào ngắt lời cũng là sai, nhưng việc biến nó thành thói quen thì không nên chút nào.

Kỹ Năng Giao Tiếp Để Thành Công

3. Mong muốn làm hài lòng mọi người

Nếu một người thật sự – hoặc bị xem là – muốn làm hài lòng mọi người, điều đó sẽ làm họ mất tiếng nói.

Họ thiếu sự chân thành và trung thực - 2 nền tảng chính của việc giao tiếp tốt. Những người này nói “có” khi họ không muốn hoặc đồng ý đi chơi trong khi họ muốn ở nhà. Để được mọi người yêu mến, họ có thể đồng tình với những ý kiến mà họ về cơ bản là phản đối. Tất cả chúng ta đều muốn được yêu quý, vấn đề nằm ở mức độ.

Nếu bạn thấy mình cố làm hài lòng mọi người quá mức, hãy dành thời gian nghĩ về những giá trị của bản thân.

Bạn có thể tự hỏi: Mình ủng hộ điều gì? Đâu là điều quan trọng trong cuộc sống mình? Điều gì không thể thương lượng được? Hãy viết ra mọi suy nghĩ của bạn. Khi đã xác định rõ giá trị cốt lõi của bản thân, bạn có thể dễ dàng bảo vệ nó mà không bị cuốn theo ý kiến hay nhu cầu của người khác.

4. Mong muốn chỉnh sửa người khác

Mục đích của việc này là cố làm mọi thứ hoàn hảo.

“Đừng khóc” hay “Đừng buồn” là phản hồi trước nỗi đau của người thích chỉnh sửa người khác. Tại sao tôi lại coi đây là một con đỉa? Vì đôi khi con người ta cũng phải bày tỏ nỗi buồn bực, tức giận hay những cảm xúc tiêu cực mạnh khác.

Người thích chỉnh sửa cho rằng người khác không được phép buồn.

Điều này có thể bắt nguồn từ việc muốn làm hài lòng người khác, hoặc do họ sợ cảm xúc tiêu cực đó. Nguyên nhân có thể là do gia đình họ đã trải qua quá nhiều chuyện không hay hoặc do họ chưa từng trải qua cảm xúc đó khi sống trong một gia đình không chấp nhận việc bộc lộ cảm xúc.

Dì tôi từng kể cho tôi nghe một câu chuyện về tác hại của việc chỉnh sửa, dù là mang ý định tốt.

Hồi còn bé, dì được bố mẹ thông báo rằng mình sắp có em. Dì phấn khích lắm, và căn phòng trống được trang trí thành phòng cho em bé. Cuối cùng, ngày đó cũng tới và bố mẹ dì đến bệnh viện. Dì đợi ở nhà cùng một người hàng xóm, nhưng khi bố mẹ trở về thì lại không thấy em bé đâu.

Không ai nói một lời nào. Cuối cùng thì dì cũng có hai cậu em trai, và rất lâu sau đó dì mới biết rằng đứa em đầu tiên của mình đã chết non – nhưng dì không bao giờ quên được cảm giác bối rối và cô đơn trong ngày hôm đó. Hẳn là ông bà tôi đã quyết định không nói cho dì biết để dì khỏi phải đau buồn. Tuy nhiên, hậu quả là dì thấy mất niềm tin ở họ và cảm thấy khó tin tưởng người khác hơn.

Kỹ Năng Giao Tiếp Và Tạo Lập Mối Quan Hệ

Hành động chỉnh sửa, dù là giấu nhẹm đi hay đánh lạc hướng hoặc che đậy bằng sự yêu thương quá mức, vẫn phủ nhận cảm xúc mà một người cần phải trải qua.

Không chỉ vậy, nhiều người thích chỉnh sửa còn có thói quen phủ nhận những cảm xúc mạnh. Khi giao tiếp bị thúc đẩy bởi nhu cầu chỉnh sửa, điều đó nghĩa là đang có một vấn đề ngầm nào đó – vấn đề liên quan đến nhu cầu của người chỉnh sửa, dù nó có thể được che đậy bằng tình yêu thương.

Một số “rào cản” trên có thể rất nhỏ hoặc không tồn tại đối với bạn.

Tuy nhiên, tôi đoan chắc rằng ít nhất một thói quen đã – hoặc đang – ảnh hưởng đến các cơ hội của bạn trong cuộc sống. Khi suy xét và ý thức hơn về những “con đỉa” này, bạn có thể giảm thiểu hóa tầm ảnh hưởng của nó. Chỉ riêng việc chú ý đến nó thôi cũng đủ khiến những con đỉa này rút lui rồi.

12 nguyên tắc vàng khi giao tiếp

* Kỹ Năng Giao Tiếp, Thuyết Trình và Tạo Lập Mối Quan Hệ

***

Tác giả: Julian Treasure

Người dịch: Cao Huỳnh Phương Dung


(*) Xem thêm

Bình luận

 

 

 

Đã thêm vào giỏ hàng