Sự Khác Nhau Giữa Người Hướng Nội & Người Hướng Ngoại.

Hãy hình dung một người đứng ngoài một sảnh tiệc và nhìn vào bên trong, ánh mắt thể hiện mong muốn được thưởng thức những món ăn ngon lành và hấp dẫn của bữa tiệc. Nhân vật nữ chính trong câu chuyện của chúng ta đang “đói rã”. Tuy nhiên, ở mỗi lối vào sảnh đều có những con hổ đang đói bị xích. Cô gái biết rằng cô phải tránh xa chúng. Thức ăn thì ở ngay trước mắt, nhưng thứ duy nhất giữ chân cô lại chính là nỗi sợ hãi. Cuối cùng, vì không dám vào sảnh lấy thức ăn, cô gái bị chết đói.

Khi Nhu Cầu Kết Nối Trở Thành Nỗi Sợ: Vấn Đề Của Người Hướng Ngoại Rụt Rè

Người hướng nội thường ngại thể hiện mình trước đám đông

Như nhân vật chính trong câu chuyện trên, những người hướng ngoại cần phải phục hồi năng lượng, và họ làm điều này thông qua các tương tác xã hội. Tuy nhiên, đối với một số người, nỗi sợ đã ngăn cản họ hành động để thỏa mãn nhu cầu này. Một số người hướng ngoại có tính rụt rè. Bạn thấy cụm từ “người hướng ngoại rụt rè” nghe có vẻ mâu thuẫn không? “Hướng ngoại” có vẻ ngược với “rụt rè”, nhưng sự thật là không hẳn vậy.

Giống như tính hướng nội và tính rụt rè thường được liên hệ với nhau, khái niệm về tính hướng ngoại cũng thường bị hiểu sai. Người hướng ngoại thường được xem là luôn dồi dào năng lượng để giao thiệp, mạnh dạn xông về phía trước mà không e ngại. Họ chắc chắn sẽ vui vẻ bắt chuyện với bất kỳ người nào mà mình có thể chạm đến. Thật ra thì người hướng ngoại không nhất thiết phải là trung tâm của mọi bữa tiệc.

Người hướng ngoại thường là trung tâm tại các buổi tiệc

Họ có thể chỉ thích đến dự tiệc. Giống như bất kỳ người hướng ngoại nào, người hướng ngoại rụt rè cũng thích xuất hiện ở nơi đông người và được truyền năng lượng từ người khác. Tuy nhiên, khi xung quanh đầy những người lạ mặt, người hướng ngoại rụt rè có thể cảm thấy sợ hãi.

Sự tồn tại của kiểu người này đòi hỏi ta phải xem xét lại định nghĩa về tính hướng ngoại. Sự rụt rè bắt nguồn từ nỗi sợ. Và ai cũng có những nỗi sợ riêng. Có thể có người hướng ngoại rụt rè, và cũng có thể có người hướng nội dạn dĩ.

Tuy nhiên, một người hướng ngoại rụt rè có thể gặp khó khăn. Như trong câu chuyện ở đầu bài, khi bị nỗi sợ cản trở, những người này có thể khó thỏa mãn nhu cầu hướng ngoại của mình. Vậy, ta hãy xem xét một số thông tin giúp người hướng ngoại rụt rè làm rõ vấn đề.

2 Điều Thú Vị Về Tính Rụt Rè Điều

Thú Vị Đầu Tiên:

Như những đặc điểm tính cách cốt lõi của con người, mỗi người có thể có mức độ sợ hãi và lo âu khác nhau. Một người có thể hơi rụt rè hoặc cực kỳ rụt rè. Một người hướng ngoại hơi rụt rè sẽ gặp ít khó khăn hơn người cực kỳ rụt rè. Không phải người hướng ngoại rụt rè nào cũng bối rối khi gặp người lạ hoặc bỏ chạy khi có ai đến gần.

Người hướng nội thường ngại giao tiếp trước đám đông

Trên thực tế, ít có người nào rụt rè đến nỗi né tránh mọi tình huống giao thiệp. Vậy, tính rụt rè không phải lúc nào cũng cản trở bạn, vấn đề còn phụ thuộc vào việc bạn rụt rè đến mức nào.

Tuy nhiên, một số người hướng ngoại có thể không thỏa mãn được nhu cầu của mình vì đeo mang những nỗi sợ giao tiếp. Tin tốt cho họ nằm ở Điều Thú Vị Thứ Hai.

Điều Thú Vị Thứ Hai:

Không như tính hướng ngoại là một đặc điểm khá ổn định trong suốt cuộc đời, tính rụt rè có thể được khắc phục. Những điều ta cần chính là kinh nghiệm, sự tự tin và thậm chí là tuổi tác. Có lẽ nhiều người đọc bài này sẽ nói rằng mình có tính rụt rè lúc nhỏ hoặc hồi tuổi teen, nhưng khi trưởng thành hơn thì họ lại hết rụt rè.

Một trong những món quà mà sự trưởng thành mang lại cho bạn chính là sự tự tin, và sự tự tin có thể biến tính rụt rè trở thành ký ức thời thơ ấu. Ngoài ra, chúng ta cũng có những biện pháp can thiệp tâm lý và tự phát triển bản thân giúp giảm bớt hoặc thậm chí là xóa bỏ sự rụt rè.

Thường thì khi bàn về cách chữa trị nỗi sợ hoặc nỗi lo âu, Liệu pháp Nhận thức–Hành vi (Cognitive Behavioral Therapy, gọi tắt là CBT) là một lựa chọn phổ biến.

Lưu ý: Hãy nhớ rằng chỉ khi tính rụt rè làm hạn chế cơ hội phát triển của bạn thì nó mới được xem là vấn đề. Việc là một người hướng ngoại rụt rè không có gì sai cả, miễn là bạn vẫn hạnh phúc. Và biết đâu, việc ít nói hơn một chút cũng có thể mang lại cho bạn một nét bí ẩn quyến rũ.

Ngộ Nhận Về Người Hướng Nội Hoạt Bát

Có những người được miêu tả là, “Anh ấy không thể nào là người hướng nội. Anh ấy có bao giờ ngừng nói đâu.”

Người hướng nội hướng ngoại sẵn sàng ra ngoài, nhưng thu mình ở một góc độ nhất định

À, đó chính là nghịch lý của “người hướng nội hoạt bát”. Những người này có thể làm bạn bè và các đồng nghiệp hướng ngoại bối rối. Mới đó, họ còn nói nhiều đến mức giống như những người hướng ngoại, nhưng giờ thì họ đột nhiên muốn ở một mình. Họ nổi giận hay buồn phiền chuyện gì chăng? Không. Họ chỉ muốn có chút thời gian ở một mình để phục hồi năng lượng như tất cả những người hướng nội khác mà thôi.

Khi gặp đúng chủ đề và người nghe, người hướng nội có thể nói rất nhiều. Chỉ cần một tình huống xã hội hoặc công việc phù hợp, người hướng nội sẽ có thể dễ dàng phá tan những lời đồn cho rằng họ quá im lặng. Trên thực tế, đôi khi người hướng nội lại là người nói nhiều nhất.

Ví dụ, đừng quên rằng có rất nhiều nghệ sĩ và người của công chúng là người hướng nội. Nếu những ngôi sao hoặc chính trị gia này muốn thành công, họ phải biết cách thu hút nhiều người. Họ phải nói, và phải nói rất nhiều. Vậy, tại sao một số người lại thấy bối rối về khái niệm “người hướng nội hoạt bát”?

Sau đây là một số điều mà ta có thể cân nhắc: Điều đầu tiên và có thể là quan trọng nhất bạn cần biết là chúng ta thường nhầm lẫn tính hướng nội với tính rụt rè. Người hướng nội tìm kiếm năng lượng và sức mạnh từ bên trong. Họ thích thế giới yên lặng và được kiểm soát trong đầu mình. Họ bị hút năng lượng khi tương tác với thế giới bên ngoài và bị những kích thích bên ngoài làm kiệt sức. Họ thường vui vẻ nhất khi ở một mình hoặc với một nhóm nhỏ, yên lặng và gồm những người giống họ. Tính hướng nội không liên quan lắm đến nỗi sợ người lạ.

Người hướng nội thường tìm kiếm nội lực từ bên trong

Mặt khác, tính rụt rè bắt nguồn từ nỗi sợ. Người rụt rè sợ mình sẽ nói sai hoặc làm sai điều gì đó trước mặt người khác. Họ có thể rất xem trọng suy nghĩ của người khác về mình. Vì cả người rụt rè và người hướng nội đều có xu hướng thoái lui khi bị kích thích/căng thẳng quá mức, nên ta dễ lầm tưởng tính hướng nội với tính rụt rè nếu chỉ nhìn bề ngoài.

Phức tạp hơn, nếu một người hướng nội có tính hay lo, họ cũng có thể bắt chước người rụt rè bằng cách quan tâm rất nhiều đến suy nghĩ của người khác. Tuy nhiên, đó là vì họ hay lo chứ không phải vì họ hướng nội. Vì có những điểm tương đồng trên, mọi người thường nhầm lẫn tính hướng nội với tính rụt rè.

Tuy có phần giống nhau, nhưng hai kiểu người này vẫn rất khác biệt. Không giống người rụt rè, người hướng nội không nhất thiết sẽ bị nỗi sợ chế ngự. Nếu người hướng nội chọn giữ im lặng, đó là vì họ không muốn nói chứ không phải vì họ sợ nói. Thứ hai, ở nhiều nền văn hóa – đặc biệt là văn hóa phương Tây – thì người hướng ngoại chiếm đa số. Có vẻ trên toàn cầu, số người hướng ngoại nhiều hơn số người hướng nội. Người hướng ngoại “vượt trội” về mọi mặt. 

Ta thường gặp người hướng ngoại nhiều hơn. Phong cách cởi mở của họ giúp cho quá trình xây dựng mối quan hệ diễn ra một cách tự nhiên. Kết quả là các nghiên cứu cũng cho rằng người hướng ngoại kiếm được nhiều tiền, có nhiều bạn và hạnh phúc hơn. Vì vậy, những người hướng nội biết thích nghi có thể hành xử giống người hướng ngoại hơn, vì họ muốn đạt được những lợi ích trong công việc và ngoài xã hội.

Tuy nhiên, hành động này không khiến họ bớt hướng nội đi, vì họ vẫn muốn có thời gian ở một mình để phục hồi năng lượng và hướng vào bên trong để tìm những câu trả lời cho các vấn đề của cuộc sống.

Tuy nhiên, đôi khi người hướng nội cần học cách nói nhiều hơn bạn bè và các đồng nghiệp hướng ngoại để vươn tới thành công. Thứ ba, người hướng nội thường có rất nhiều điều ý nghĩ để chia sẻ – và những ý nghĩ đó có thể tuôn ra cùng một lúc. Họ thường là những người sâu sắc và thích trầm tư.

Câu chuyện cười sau đây có nhiều phiên bản khác nhau: Một ngày nọ, một chú chó đột nhiên cất tiếng nói chuyện với chủ nhân. Dĩ nhiên, người chủ ngạc nhiên hỏi, “Tại sao trước đây mi chưa bao giờ mở miệng?” Con chó thông thái trả lời, “Vì trước đây tôi chẳng có gì thú vị để nói cả.” Người hướng nội sâu sắc cũng có thể có triết lý như chú chó về việc lên tiếng. Im lặng là vàng, cho đến khi họ có chuyện thú vị để nói…

***

Người dịch: Nguyễn Phan Bảo Ngân


(*) Xem thêm

Bình luận

 

 

 

Đã thêm vào giỏ hàng