Hạnh phúc là khi điều bạn nghĩ, lời bạn nói, và việc bạn làm đồng điệu với nhau

Gandhi nói hoàn toàn đúng. Khi không hành động đúng với mục tiêu và giá trị của mình, bạn sẽ thấy nội tâm mình bị giằng xé. Bạn biết việc mình nên làm – dù là thực hiện dự án, ở bên những người bạn yêu thương hay ăn uống lành mạnh, v.v. – và bạn cố tình hành động ngược lại.

Cũng như tôi, có thể bạn sẽ biện minh cho những việc mình làm và tự nhủ rằng mình đang tiến gần tới ước mơ. Nhưng nếu thành thật nhìn nhận bản thân, bạn sẽ thấy rằng bạn chỉ đang tự lừa dối chính mình mà thôi. Xét cho cùng, theo lời Gandhi, “Tin vào một điều nhưng lại không sống theo điều đó, chính là không sống đúng với bản thân.” 

Hành động của bạn trực tiếp đưa đến kết quả. Và khi phá hoại bản thân một cách có chủ ý, bạn chẳng thể nào tự tin được. Thay vào đó, bạn sẽ hoài nghi chính mình.

Chuyện nhỏ sẽ thành chuyện lớn. Việc quan trọng phải được ưu tiên. Động lực và hứng thú là những thứ chóng qua. Ngay lúc này bạn có bao nhiêu động lực cũng không quan trọng, vì tất cả sẽ tan biến nếu bạn không vun đắp cho nó mỗi ngày.

Bạn còn cách những giá trị và mục tiêu của mình bao xa?

Nội tâm bạn đang mâu thuẫn đến mức nào?.

Tôi cũng như bạn. Tôi thường hành động trái với mục tiêu và giá trị của mình. Ta không nên lấy sự hoàn hảo làm mục tiêu. Song, sự kiên định và việc thực hiện các giá trị và mục tiêu sẽ tạo ra động lực to lớn cũng như đưa đến những kết quả tốt đẹp.

Không còn cách nào khác đâu. Aristotle có nói, “Việc bạn làm thường xuyên sẽ định nghĩa con người bạn.” Và nhân vật Albus Dumbledore trong bộ truyện Harry Potter cũng từng nói, “Không phải khả năng, mà chính sự lựa chọn của chúng ta mới quyết định chúng ta là ai.”

Cuộc Sống Của Ta Là Những Khoảng 24 Giờ

Tất cả chúng ta đều có 24 giờ đồng hồ mỗi ngày. Nếu ta không sống tốt mỗi ngày thì cả đời ta cũng sẽ như vậy. Một khi bạn sống tốt mỗi ngày, thành công chắc chắn sẽ đến với bạn.

Ngày hôm nay của bạn ra sao?

Tôi hỏi nghiêm túc đấy.

Hãy nhìn lại những việc bạn đã làm hôm nay. Bạn có hành động theo cách mình mong muốn không? Nếu từ giờ cho đến năm sau, ngày nào bạn cũng sống như hôm nay thì kết quả thực tế sẽ ra sao? Nếu muốn đạt được mục tiêu và mơ ước của mình, một ngày bình thường của bạn sẽ phải khác bao nhiêu so với ngày hôm nay? Để đạt được mơ ước của mình, một ngày “bình thường” của bạn sẽ phải như thế nào?

Một trong những cách hay nhất để chủ động vẽ nên cuộc sống lý tưởng là bắt đầu với một ngày lý tưởng. Ngày lý tưởng đó thực sự là như thế nào?

Để sống theo cách mình muốn, bạn phải làm gì mỗi ngày? Có thể bạn đã làm được vài việc trong ngày lý tưởng của mình, nhưng bạn có đang tiến tới gần mục tiêu của mình không?

Một ngày lý tưởng của bạn nên dựa trên quan điểm của bạn về “cuộc sống tuyệt vời.” Bạn là người duy nhất có thể định nghĩa hạnh phúc và thành công cho mình.

Một ngày lý tưởng của tôi gồm các hoạt động sau:

* 8 tiếng ngủ sâu và ngon giấc.

* Ăn các loại thực phẩm lành mạnh và đơn giản; mỗi ngày phải ăn cùng vợ và các con ít nhất một bữa.

* Tập thể dục 30-60 phút.

* Cầu nguyện và ngồi thiền (không dùng điện thoại) 15-30 phút.

* Học tập (không dùng điện thoại) trong 2-4 giờ.

* Tập trung viết hay hợp tác với ai đó trong 2-3 giờ.

* Tập trung chơi với con (không dùng điện thoại) trong 2 giờ.

* Dành riêng cho vợ (không dùng điện thoại) 1 giờ.

Không quan trọng là các hoạt động này diễn ra theo thứ tự nào. Chẳng có ngày nào giống hệt ngày nào. Nếu làm tất cả những việc trên, tôi vẫn có hơn 3 giờ đồng hồ “thời gian rảnh” để kiểm tra email, ăn uống, lái xe, đi lễ, mất tập trung, nói chuyện điện thoại với bạn bè và xử lý những chuyện phát sinh khác.

Một điều tôi học được từ cả ảnh hưởng tốt lẫn xấu là cách tôi thức dậy vào buổi sáng quyết định phần lớn cả ngày hôm đó. Nếu tôi thức dậy với một mục đích, và thường là trước 6 giờ sáng, cả ngày hôm đó sẽ suôn sẻ hơn rất nhiều. Còn nếu tôi vừa thức dậy là đã với tay lấy điện thoại thì sẽ rất khó để lấy lại hứng khởi trong ngày.

Thật tình tôi cũng không hiểu tại sao. Tôi có thể vin vào nhiều nghiên cứu nói rằng tự tin là kết quả của hành động trước đó. Với tôi, nói vậy thì hơi chung chung. Thức dậy, chuẩn bị để thành công, rèn luyện cơ thể bằng việc tập thể dục cường độ cao, tự học, rồi bắt tay vào làm việc là một cách mạnh mẽ để bắt đầu ngày mới.

Một điều tôi biết chắc chắn là tất cả chúng ta đều làm chủ cách sử dụng thời gian của mình. Nếu không tin mình có thể làm được, ta sẽ có tâm điểm kiểm soát bên ngoài (tức tâm lý nạn nhân) và cứ như thế cho tới khi ta biết tự chịu trách nhiệm với chính mình. Chỉ khi thật sự nhìn vào gương và thừa nhận rằng mọi sự đều là do ta mà ra thì ta mới có năng lực thay đổi cuộc đời mình.

Với bạn, thế nào là một ngày lý tưởng?

Bạn được sống ngày lý tưởng của mình thường xuyên đến mức nào?

Nếu ngày nào bạn cũng sống theo lý tưởng đó thì một năm nữa bạn sẽ ở đâu?

Bạn sẽ ở đâu trong 5 năm tới?

Bắt Đầu Hành Động:

* Dành ra vài phút tưởng tượng ra ngày lý tưởng của bạn.

* Lên danh sách các hoạt động trong ngày lý tưởng của mình.

* Bắt đầu theo dõi cách bạn sống một ngày bình thường.

* Một khi bắt đầu chủ động theo dõi, bạn sẽ phải ngạc nhiên trước sự mâu thuẫn nội tâm của mình đấy.

Tất cả những điều này đều dễ nói hơn làm. Song, việc sống một cuộc đời có kế hoạch và hướng tới một mục tiêu là hoàn toàn khả thi. Bạn hoàn toàn có thể thay những thói quen xấu bằng những thói quen tốt và trở thành con người mình mong muốn.

Thuyết Động Lực Và Tự Điều Chỉnh

Khi mục tiêu của bạn cụ thể, tạo được động lực thúc đẩy và giới hạn thời gian rõ ràng, bạn sẽ không ngừng nỗ lực cho đến khi thành công.

Nếu bạn thiếu động lực thì hẳn là mục tiêu của bạn có vấn đề. Hoặc là bạn chọn sai mục tiêu, mục tiêu đó chưa đủ cụ thể, hoặc thời gian biểu chưa rõ ràng dứt khoát.

Sau đây là cách mục tiêu đúng đắn hoạt động dưới góc nhìn tâm lý:

Theo nghiên cứu, tự điều chỉnh là quá trình tâm lý phát hiện sự mâu thuẫn giữa mục tiêu và hành động của ta. Nó là sức mạnh của động lực thúc đẩy ta từ vị trí hiện tại tiến tới nơi ta muốn đến.

Cụ thể, có 3 cách tự điều chỉnh sau:

* Tự giám sát: quyết định ta đang làm việc tốt đến mức nào.

* Tự đánh giá: quyết định việc ta làm tốt thế nào so với mục tiêu mình đặt ra.

* Tự phản hồi: quyết định việc ta suy nghĩ và cảm thấy thế nào so với mục tiêu. Khi không hài lòng với sự thể hiện của mình, cơ chế tự phản hồi sẽ thúc đẩy ta phân bổ lại nguồn động lực .

Để đảm bảo rằng bạn không chỉ đạt được mà còn vượt qua mục tiêu của mình, hãy nỗ lực nhiều hơn so với mức cần thiết. Hầu hết mọi người đánh giá thấp nỗ lực cần phải bỏ ra để đạt được mục tiêu của họ.

Thay vì trông đợi hoàn cảnh lý tưởng, hãy lên kế hoạch cho tình huống xấu nhất. Thay vì đánh giá thấp thời gian và công sức mà mục tiêu đòi hỏi, hãy đánh giá cao nó hơn mức cần thiết.

Ý Định Thực Hiện

Dĩ nhiên, đạt được mục tiêu không phải chuyện dễ dàng. Nếu dễ thì ai cũng thành công rồi. Con người ta thường thất bại trong việc tự điều chỉnh trên hành trình chinh phục mục tiêu của mình.

Rất nhiều nghiên cứu đã cố gắng xác định: Làm thế nào để tiếp tục phấn đấu hướng đến mục tiêu khi không thể duy trì cảm hứng?

Câu trả lời theo ngôn ngữ của các nhà tâm lý học là ý định thực hiện, và ta có thể thấy rõ điều đó ở các vận động viên sức bền. Khi một vận động viên điền kinh siêu marathon bắt đầu một cuộc chạy gian khổ, họ xác định trước điều kiện mình sẽ bỏ cuộc (chẳng hạn như “nếu không còn nhìn thấy gì nữa thì mình sẽ dừng lại”).

Nếu không xác định trước hoàn cảnh để từ bỏ, bạn sẽ bỏ cuộc sớm. Theo Navy SEALS (đội đặc nhiệm Hải quân Mỹ), hầu hết mọi người bỏ cuộc khi chỉ mới sử dụng 40% khả năng của mình.

Song, thuyết ý định thực hiện không chỉ dừng lại ở đó.

Bạn không chỉ cần biết điều kiện mình sẽ từ bỏ, mà còn cần hành động theo kế hoạch hướng tới mục tiêu khi gặp những hoàn cảnh khó khăn này.

Anh họ tôi, Jesse, là một ví dụ tuyệt vời. Anh nghiện thuốc lá hơn chục năm, ngày nào cũng hút vài gói. Ba năm trước, anh cai hẳn thuốc lá. Mỗi khi quá căng thẳng hay muốn hút thuốc, anh lại tự nhủ, “Nếu mình nghiện thuốc, đây sẽ là một trong những lần mình hút.” Sau đó, anh lại tiếp tục một ngày của mình.

Khi mất tập trung – chuyện vẫn thường xảy ra – tôi lấy nhật ký ra và viết ra các mục tiêu của mình. Điều này giúp tôi củng cố lại động lực và điều chỉnh lại hướng đi cho đúng với mục tiêu mình đã đặt ra.

Bạn không thể chỉ ngồi “há miệng chờ sung”. Bạn phải lên kế hoạch và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Bạn sẽ thường xuyên bị trật kế hoạch. Bạn cần phải chuẩn bị cho những lúc thiếu động lực bằng cách tạo ra những tác nhân kích hoạt lại động lực bên trong bạn.

Bắt Đầu Hành Động:

Hãy nghĩ đến những thử thách bạn sắp phải đối mặt trên con đường chinh phục mục tiêu (ví dụ, bạn đang ở một buổi tiệc và món tráng miệng ưa thích của bạn đang được dọn ra), phản ứng tự động của bạn là gì?

Hãy tưởng tượng mọi thử thách bạn có thể gặp phải. Tạo ra phản ứng chủ động đáp lại từng thử thách đó. Bằng cách này, bạn sẽ được chuẩn bị trước cho những khó khăn. Như Richard Marcinko từng nói, “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu.”

Khi gặp phải những thử thách này, hãy chủ động phản ứng lại nó.

Kết Luận

Ngày hôm nay của bạn thế nào?

Còn hôm qua thì sao?

Meredith Willson đã nói: “Nếu cứ tiếp tục sống theo kiểu ‘việc hôm nay cứ để ngày mai’, rồi bạn sẽ nhận ra mình chỉ còn lại những ngày hôm qua trống rỗng.” Nếu hôm nay bạn không làm gì thì sẽ chẳng có ngày mai.

Cách bạn sống mỗi ngày là dấu hiệu dự báo rõ ràng về con người hiện tại và tương lai của bạn. Chỉ mong muốn một tương lai tốt đẹp hơn thôi chưa đủ, bạn cần phải biết tương lai của mình ra sao và bắt đầu sống như vậy ngay từ hôm nay.

Người thành công cư xử như người thành công trước khi họ thành công. Nếu không làm vậy thì mai này bạn sẽ chẳng thể nào thành công.

***

Tác giả: Benjamin P. Hardy

Người dịch: Cao Huỳnh Phương Dung


(*) Xem thêm

Bình luận

 

 

 

Đã thêm vào giỏ hàng