Có Thể Điều Khiển Giấc Mơ.

Vào năm 2008, Isaac Katz, một công chức nhà nước, qua đời ngay trước ngày sinh nhật thứ 78 của mình. Ông đã khổ sở với những vấn đề tim mạch trong thời gian dài. Con trai ông, Arnon Katz, 47 tuổi, một nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, ngồi cạnh cha mình, đau xót và tuyệt vọng vì biết rằng mình sẽ không bao giờ có thể trò chuyện với ông lần nữa. Lúc đó, người con trai đang luyện tập để có được giấc mơ sáng suốt (lucid dreaming).

Một hiện tượng mà trong đó người đang ngủ ý thức được rằng họ đang trong giấc mơ và có thể phần nào kiểm soát hành động của mình, cũng như nội dung và hoàn cảnh của giấc mơ. Nhưng dù luôn ghi chép lại những giấc mơ của mình và kiên trì luyện tập các kỹ thuật khác, Arnon vẫn không thành công.

Tuy nhiên, chỉ một năm sau cái chết của người cha, mọi chuyện đều thay đổi. Arnon kể lại trong một buổi phỏng vấn qua điện thoại, rằng trong lúc đang mơ, ông nghe tiếng mẹ đột nhiên nhắc nhở mình rằng, “Này, con đang mơ đấy. Vì vậy đừng đặt nặng những gì cha con nói.” Arnon nói với tôi, “Đột nhiên mọi thứ chậm lại và trở nên cực kỳ rõ ràng và chân thật.

Tôi biết rõ mình đang mơ, nhưng tôi cảm thấy đang được ở cạnh cha và có thể chọn nói những điều mình muốn nói, như thể tôi đang hoàn toàn tỉnh táo. Khi thức dậy, tôi nhận ra rằng não bộ của chúng ta có thể tạo ra một hiện thực hoàn toàn tách biệt với cuộc sống ngoài đời.”

Nhiều người có giấc mơ sáng suốt cũng nói điều tương tự. Arnon nói rằng trải nghiệm này cuối cùng đã cho phép ông chấm dứt cảm giác tuyệt vọng về sự qua đời của cha mình. Giấc mơ sáng suốt thường được cho là thường xuyên diễn ra trong quá trình REM (Rapid Eye Movement), giai đoạn cuối của chu kỳ ngủ, gần với thời điểm bạn thức dậy nhất và cũng là giai đoạn bạn thường có các giấc mơ.

Nhiều nghiên cứu cho thấy phần lớn mọi người đều từng có một giấc mơ sáng suốt. Một nghiên cứu khác từ Đức được thực hiện trên những học sinh từ 6-19 tuổi nhằm tìm hiểu xem giấc mơ sáng suốt có liên quan đến độ tuổi hay không. Họ nhận thấy trước 19 tuổi, hơn 50% học sinh từng trải qua giấc mơ sáng suốt ít nhất một lần, và tần suất xuất hiện giấc mơ sáng suốt giảm dần theo độ tuổi.

Dù có thể ước lượng được số người từng có một giấc mơ sáng suốt, nhưng chúng ta sẽ khó xác định được số người có thể chủ động thực hiện điều này. Giáo sư Daniel Erlacher, nhà nghiên cứu giấc ngủ và giảng viên môn khoa học thể thao tại Đại học Bern, cho biết chỉ có khoảng 1% người thường xuyên có giấc mơ sáng suốt trong một tuần.  

Một số người thậm chí “mơ sáng suốt” một cách thành thạo đến mức dù đang say ngủ, họ vẫn có thể ra hiệu cho nhà nghiên cứu rằng mình đã đạt được trạng thái tỉnh táo. Trong một phương pháp được phát triển vào những năm 1970 bởi nhà tâm lý học người Anh Keith Hearne và được tiếp tục bởi Stephen LaBerge vào những năm 1980, những tình nguyện viên được yêu cầu đưa tròng mắt từ trái sang phải 2 lần khi đang ngủ, nếu họ đã đạt được trạng thái “mơ sáng suốt”.

Không như các cơ còn lại trên cơ thể vốn sẽ ngừng hoạt động trong giấc ngủ REM (nhằm ngăn ta hành động như trong giấc mơ của mình – bước ra khỏi nơi trú ẩn và bị gấu ăn thịt), các cơ điều khiển mắt vẫn có thể cử động. Nhờ đặc điểm này mà các nhà nghiên cứu lúc bấy giờ có thể xác định thời điểm người đang mơ trở nên tỉnh táo, và có thể theo dõi chính xác hơn các chức năng thần kinh, hô hấp, tim mạch và những chức năng thể chất khác đang hoạt động như thế nào trong giai đoạn “mơ sáng suốt”.

Theo LaBerge, các nghiên cứu EEG (electroencephalogram – điện não đồ) của ông từ những năm 1980 cho thấy rằng nhìn chung, não bộ trở nên năng động hơn trong giai đoạn này. Đội ngũ của ông cũng nhận thấy các phản ứng tự phát về mặt thể chất như đổ mồ hôi, tăng hô hấp và nhịp tim, sự gia tăng đáng kể hoạt động của mắt trong giai đoạn chuyển giao vào trạng thái “mơ sáng suốt”.

Dù một người có thể dùng giấc mơ sáng suốt để mơ theo mọi kiểu mình muốn, các nhà nghiên cứu cho rằng giấc mơ sáng suốt còn có những ứng dụng vượt trên cả việc giải trí đơn thuần. Các nhà tâm lý học và những nhà nghiên cứu khác đang tìm kiếm phương pháp sử dụng hình thức mơ này để cải thiện khoảng thời gian thức của chúng ta.

Trong một nghiên cứu sơ bộ vào năm 2008 nhằm tìm hiểu tác động của hoạt động thể chất trong giấc mơ đối với các thông số tim mạch, những người thành thạo việc “mơ sáng suốt” thực hiện một loạt những nhiệm vụ trong giấc mơ – chẳng hạn như vừa gập người vừa đếm số lần – sau khi đã ra hiệu cho các nhà nghiên cứu rằng họ đang tỉnh táo trong mơ bằng tín hiệu trái-phải của mắt. Erlacher và Schredl phát hiện ra rằng việc gập người trong lúc mơ sáng suốt làm tăng nhịp tim của người đang mơ. Kết hợp với những kết quả nghiên cứu khác, kết quả này cho thấy hành động khi “mơ sáng suốt” có liên quan với những hoạt động thực sự.

Vì vậy nhóm kết luận rằng luyện tập một hoạt động thể chất trong giấc mơ sáng suốt có thể cải thiện khả năng của cơ thể ngoài đời thực. Những nhà nghiên cứu khác cũng chỉ ra tiềm năng áp dụng giấc mơ sáng suốt để chữa trị chứng gặp ác mộng. Ước tính có đến khoảng 8% người trưởng thành thường xuyên gặp ác mộng, và tôi là một trong số đó.

Các nhà tâm lý học cũng đặc biệt quan tâm đến những cơn ác mộng bởi đó là triệu chứng thường thấy của sự lo lắng, trầm cảm và rối loạn căng thẳng hậu chấn thương. Trong một nghiên cứu sơ bộ được tiến hành tại Đại học Utrecht, Hà Lan vào năm 2006, những người tham gia trải qua một liệu pháp giấc mơ sáng suốt (LDT – Lucid Dream Treatment), trong đó họ thực hiện các bài tập nhận thức và hành vi nhằm cải thiện khả năng phát hiện những chi tiết trong cơn ác mộng cho thấy họ đang mơ.

Người tham gia cũng được khuyến khích nghĩ ra kết cục khác cho cơn ác mộng. Dù cả hai nhóm tham gia liệu pháp này (theo nhóm hoặc theo từng cá nhân) đều báo cáo rằng mình ít gặp ác mộng hơn đáng kể, nhưng số người thật sự tỉnh táo và chủ động thay đổi giấc mơ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy rằng dù không giúp ta đạt được trạng thái tỉnh táo khi mơ, LDT vẫn có thể giúp ta giảm thiểu các cơn ác mộng.

Học Cách Mơ Sáng Suốt

Nhiều người được phỏng vấn cho rằng đôi khi chỉ cần đọc hoặc suy nghĩ về giấc mơ sáng suốt cũng đủ để họ có được những giấc mơ sáng suốt. Nhưng điều này không thường xảy ra. Chiến lược giúp bạn tập chủ động “mơ sáng suốt” được đề ra bởi LaBerge trong quyển Exploring the World of Lucid Dreaming (đồng tác giả với Howard Rheingold).

Nội dung chiến lược xoay quanh việc rèn luyện khả năng nhận thấy những “dấu hiệu của giấc mơ.” Việc này tuy nghe có vẻ kỳ quặc, nhưng đơn giản là bạn chỉ cần xác định những điều khác thường so với hiện thực để nhận ra rằng mình đang mơ, và hy vọng lúc đó bạn có thể điều khiển được giấc mơ.

Đầu tiên, bạn cần dành một vài tuần để ghi lại những giấc mơ của mình và xác định những khung cảnh trong mơ. Vì đã gặp nhiều cơn ác mộng, tôi ngay lập tức có thể xác định những dấu hiệu trong giấc mơ của mình, như việc tôi đang di chuyển cực nhanh trên một chiếc xe hơi, xe máy, máy bay, và cả khi tôi ở trong chiếc thang máy đang bị rơi; tôi phải băng qua những cây cầu đầy rắn bằng đôi chân trần; tôi đang bay và bị truy đuổi bởi thứ gì đó nhanh hơn mình, răng tôi rơi hết ra khỏi hàm; những người mà tôi đã không nói chuyện trong mấy năm trời bỗng xuất hiện.

Ngoài ra, những người thường “mơ sáng suốt” cũng chỉ ra một số dấu hiệu phổ biến như giờ của đồng hồ treo tường khác với giờ của đồng hồ đeo tay, hoặc không thể xem được giờ trên đồng hồ. Bước thứ hai của chiến lược này liên quan đến việc tập thói quen đặt vấn đề là mình đang tỉnh hay đang mơ – điều mà một số người gọi là “kiểm tra thực tại.”

Người ta làm điều này theo nhiều cách, như kiểm tra mình có đeo nhẫn cưới không, đếm ngón tay, hoặc đơn giản là hỏi bản thân nhiều lần xem liệu mình có đang mơ hay không. Không cần biết bạn sử dụng cách nào, quan trọng là bạn phải tập cho trí não mình nghĩ về khả năng là bạn đang mơ, từ đó bạn mới có thể làm việc này một cách tự động khi đang ngủ.

Cùng với tất cả những việc trên, cũng có nhiều ứng dụng mới trên điện thoại liên quan đến việc theo dõi giấc mơ và/hoặc giấc mơ sáng suốt. Bạn có thể sử dụng ứng dụng khi tập mơ. Được thiết kế chuyên dụng cho giấc mơ sáng suốt, Dreamz sẽ theo dõi những cử động của bạn khi ngủ bằng cảm biến bên trong điện thoại của bạn.

Cảm biến sẽ xác định chu kỳ ngủ của bạn và phát một tín hiệu bằng âm thanh – dưới dạng âm nhạc hoặc đoạn ghi âm của chính bạn nói với bản thân rằng bạn đang mơ – và từ đó đóng vai trò như một dấu hiệu trong mơ khi bạn đang ở giai đoạn REM. (LaBerge cho biết một mẹo nhỏ là hãy sử dụng đoạn ghi âm bạn nói “Mình đang mơ” thay vì “Bạn đang mơ,” vì việc nói chuyện với bản thân trong vai trò người thứ hai sẽ khiến bạn tỉnh giấc.)

Nhà phát triển Dreamz là Adam Siton, một người hay “mơ sáng suốt”, bảo rằng 40% người dùng ứng dụng với tần suất trên 3 lần cho biết họ đã “mơ sáng suốt”. Tuy nhiên, Siton cũng thừa nhận rằng phần lớn người dùng Dreamz là người “mơ sáng suốt” thành thạo. Được phát hành vào tháng 4, SHADOW là ứng dụng được đề cập trên tờ The Atlantic vào tháng 9 và đã có một chiến dịch gây quỹ cực kỳ thành công.

Đó là một đồng hồ báo thức thường xuyên đánh thức người dùng và ghi âm giọng nói của họ khi đang mơ. Các giấc mơ có thể được đóng góp vào một hệ thống dữ liệu toàn cầu của những người dùng ứng dụng. Đây là chức năng mà nhà đồng sáng lập Hunter Lee Soik cho là chủ yếu chỉ mang giá trị giải trí. “Sẽ rất thú vị khi biết một người nào đó ở Nhật có cùng một giấc mơ với bạn, trong khi bạn đang sống ở California,” anh ấy cho biết.

Được dự định ra mắt trong cuối năm nay, Dreame đơn giản hóa quá trình ghi nhận giấc mơ bằng cách cung cấp cho người dùng danh mục gồm những yếu tố mà một người có thể nhận thấy trong mơ – như con chó, con mèo, hoặc khu rừng – để họ có thể chọn khi tỉnh giấc. Ứng dụng cũng kết hợp tính chất trị liệu của giấc mơ – liên kết người dùng với các nhà tâm lý học và những nhà giải mã giấc mơ, những người có thể giúp phân tích thông tin về giấc mơ của họ.

Lý Do Chúng Ta Mơ Giấc ngủ rõ ràng là để nghỉ ngơi và hồi phục. Điều này được thể hiện qua việc cơ thể tiết ra các hoóc-môn hồi phục trong giấc ngủ sâu, thường là ở giai đoạn thứ 2 và 3 của giấc ngủ phi REM. Trong khi đó, mục đích của giấc mơ lại rắc rối hơn. Những người ở thời cổ đại ghi nhận lại giấc mơ của mình và áp dụng vào nhiều hình thức.

Người Hy Lạp xem giấc mơ là thông điệp từ các vị thần và có thể báo trước tương lai hoặc chữa lành bệnh tật. Họ cũng có những người giải mã giấc mơ – được gọi là oneirokritai, những người có thể diễn giải giấc mơ của người khác. Sigmund Freud cho rằng giấc mơ là nơi ta thể hiện những mong ước bị kìm nén, còn Carl Jung thì xem giấc mơ như một nơi để tâm trí ta đưa ra những manh mối dưới dạng biểu tượng về các vấn đề nhận thức của bản thân.

Ông cũng nhấn mạnh tính chất sáng tạo của giấc mơ, qua việc chỉ ra nhà hóa học người Đức Friedrich August Kekule, người được cho là đã khám phá ra cấu trúc phân tử của benzen trong giấc mơ, và Robert Louis Stevenson, người nghĩ ra cốt truyện cho quyển The Strange Case of Dr. Jekyll and Mr. Hyde từ giấc mơ. Nếu Jung vẫn còn sống đến ngày nay, ông cũng có thể sẽ nhắc đến giấc mơ của James Cameron về người máy - điều đã góp phần tạo nên bộ phim The Terminator - và quá trình soạn giai điệu của Paul McCartney cho bài Yesterday lúc đang mơ màng.

Những lý thuyết hiện đại hơn định nghĩa giấc mơ như một quá trình nhận thức liên quan đến quá khứ (như cách để xử lý ký ức), hiện tại (như giai đoạn đặc biệt của quá trình nhận thức) và/hoặc tương lai (dưới dạng một quá trình cao cấp có chức năng giả lập những mối đe dọa tiềm tàng). Dù các nghiên cứu gần đây thường tập trung vào những lợi ích tiềm năng đối với cuộc sống của giấc mơ sáng suốt, vẫn còn có những luồng ý kiến tiêu cực về việc này.

Việc tập “mơ sáng suốt” đòi hỏi bạn phải nỗ lực và có thể khiến bạn mất tập trung vào ban ngày. Nó cũng có thể phá hỏng giấc ngủ của bạn, đặc biệt là những lúc bạn thức giấc giữa đêm để ghi lại giấc mơ hay áp dụng kỹ thuật thức-ngủ-thức (giữ cho mình tỉnh táo trong khoảng một giờ đồng hồ và ngủ lại một giấc ngắn vào buổi sáng).

Và một số người có thể không thích những trải nghiệm này. Một phụ nữ ở những năm cuối của tuổi 20 mà tôi từng trò chuyện đã nói rằng cô thường xuyên có những giấc mơ sáng suốt tự phát, và cô cảm thấy khó chịu về điều đó. Một người khác nói rằng cô ấy thường nhận thấy mình đang mơ nhưng không thể kiểm soát những chuyện diễn ra trong giấc mơ, và cô diễn tả việc đó như một trải nghiệm đáng sợ.

Nhưng những hạn chế này chưa đủ sức ngăn mọi người ngừng tìm kiếm những giấc mơ sáng suốt, đặc biệt là với những ứng dụng và công cụ mới mẻ và hấp dẫn đang được phát triển. Chúng ta theo dõi, định lượng và kiểm soát mọi thứ, từ những buổi luyện tập đến lượng cà phê mình uống trước khi ngủ, và đó có thể là bước đi hợp lý tiếp theo để bạn có thể tỉnh táo trong khi đang mơ.

 

Sống Đơn Giản Giúp Bạn Ra Quyết Định Tốt Hơn

Kỹ năng Thuyết Trình Và Nói Trước Công Chúng

***

 

Tác giả: Tiffanie Wen

Người dịch: Nguyễn Minh Đăng


(*) Xem thêm

Bình luận

 

 

 

Đã thêm vào giỏ hàng